Thông tin được báo điện tử của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đăng tải, dù không nêu cụ thể vị trí diễn ra cuộc tập trận bắn đạn thật.
Chiến hạm Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận ngày 28/7
Tổng cộng hơn 100 tàu chiến, hàng chục máy bay, các đơn vị tác chiến thông tin cũng như lực lượng hạt nhân đã tham gia diễn tập, China Military Online đưa tin.
Cuộc tập trận mới nhất tập trung vào phối kết hợp các hệ thống thông tin tác chiến của hải quân và không quân, cũng như kiểm trả mức độ hiệu quả trong chiến đấu của các vũ khí và thiết bị mới.
Bài báo khẳng định cuộc tập trận “đạt những đột phá mới” trong một số lĩnh vực, bao gồm tiêu diệt mục tiêu tầm thấp tốc độ cao, chống tàu ngầm, đánh chặn tên lửa chống hạm sử dụng các tàu mặt nước.
Một quan chức hải quân khẳng định, cuộc diễn tập không chỉ tập trung vào tác chiến trên mặt biển, trên không như trước đây, mà còn có các nhiệm vụ do thám và chống do thám, gây nhiễu và chống gây nhiễu, theo dõi theo thời gian thực.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, dù không thể đưa ra căn cứ pháp lý. Hôm thứ Bảy, hải quân nước này còn ngang ngược cáo buộc các nước khác chiếm đóng “bất hợp pháp” các hòn đảo và bãi đá trên Biển Đông.
Ngày 20/7, Trung Quốc tuyên bố diễn tập 10 ngày tại Biển Đông, trong đó khu vực diễn tập bao gồm tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Để bao biện cho các cuộc diễn tập tại Biển Đông, ngày 25/7, Phát ngôn viên hải quân Trung Quốc Lương Dương cho hay: "Tổ chức các cuộc tập trận trên biển là một hoạt động bình thường đối với hải quân các nước khác. Cuộc tập trận thường niên của hải quân Trung Quốc nhằm thử nghiệm khả năng chiến đấu thực sự của các binh sĩ, nâng cao tính cơ động, năng lực tìm kiếm và cứu hộ và khả năng hoàn thành các sứ mệnh đa dạng của quân đội".
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 23/7 đã lên án kế hoạch tập trận 10 ngày từ 22 - 31/7, gần quần đảo Hoàng Sa mà Cục hải sự Trung Quốc công bố.
"Việt Nam phản đối và nghiêm khắc yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, dừng ngay và không tái diễn các hành động làm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình", ông Lê Hải Bình khẳng định.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ diện tích tại Biển Đông, và nước này đang đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng phi pháp tại các đảo chiếm đóng tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm gia tăng căng thẳng ngoại giao và quân sự giữa nước này với các bên cũng có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Động thái hải quân của Trung Quốc cũng xung đột với các hoạt động trên không và trên biển của các đơn vị thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, vốn nhằm bảo vệ các tuyến đường biển quan trọng đối với thương mại của Mỹ với Đông Nam Á và Trung Đông. Tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, ngày 17/7 tuyên bố rằng các lực lượng Mỹ sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bất ngờ nào trên Biển Đông.
Nguồn dân trí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét