Chiều 28/7, tại phiên thảo luận tổ kỳ họp HĐND TP HCM, vấn đề có hay không thu phí sử dụng đường bộ đối với xe máy được các đại biểu quan tâm mổ xẻ.
Đại biểu Văn Đức Mười cho rằng thu phí lúc này không hợp lòng dân và đề nghị thành phố nên mạnh dạn, nếu thấy không hợp lý thì kiến nghị dừng thu. Hiện rất nhiều người bức xúc với loại phí này. Ngay cả tổ dân phố cũng thấy không ổn vì họ không có quyền lực gì nhưng giờ phải đi thu. "Người tự giác đóng thì còn dễ, gặp người không tự giác thì cũng không biết làm gì. Chúng ta cần dứt khoát. Cuối cùng lại tạo ra cảnh tùy tiện. Vì vậy, tôi đề nghị nghị dừng thu loại phí này", ông Mười nêu ý kiến.
Dù quan điểm của Thường trực HĐND TP HCM là vẫn thực hiện việc thu phí theo Nghị định 18 của Chính phủ, song nhiều đại biểu tiếp tục đề nghị dừng thu loại phí này theo nguyện vọng của người dân. Ảnh: G.T
Đại biểu Huỳnh Quốc Cường cho biết hiện cử tri rất rối vì ngay trước kỳ họp, UBND TP vẫn đề nghị thu phí trong khi Bộ Giao thông, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đề nghị tạm ngưng. "HĐND TP phải có ý kiến chính thức về vấn đề này để chúng tôi trả lời cử tri. Nếu không khi người dân hỏi, chúng tôi không biết trả lời thế nào", ông Cường nói.
Trong khi đại biểu Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP cho rằng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn Bộ Giao thông về vấn đề thu phí nên bà con chờ đợi kỳ họp lần này HĐND TP sẽ có quyết định dừng thu loại phí này.
"Chuyện thu phí đang gây bất bình trong nhân dân vì nộp cũng được, không nộp cũng không sao. Cái quan trọng không phải thu được bao nhiêu mà thu phải công bằng. Cử tri đề nghị nên dừng thu phí. Quỹ đường bộ Trung ương cũng đã đề nghị dừng. Cái này rất hợp lòng dân, chúng ta nên xem xét", ông Châu đề nghị.
Theo đại biểu Trần Trọng Dũng, đối với những hộ nghèo, 50.000 cũng không phải là ít. "Tôi nghĩ chúng ta nên làm như HĐND TP Đà Nẵng là ra quyết định tạm dừng, không thu. Nếu được, HĐND TP nên phát phiếu thăm dò để biết được có bao nhiêu phần trăm đại biểu đồng ý", ông Dũng nêu ý kiến.
Là người liên tục phản đối việc thu loại phí này ngay từ đầu, đại biểu Lâm Thiếu Quân cho rằng thành phố đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, không có thẩm quyền quyết định không thu phí mà nếu vẫn quyết định thu thì sẽ bước vào vết xe đổ của các tỉnh, thành khác.
"Không lý gì bây giờ các tỉnh, thành người ta kiến nghị dừng, mình lại quyết tâm thu cho được. Vì vậy, tôi đề nghị thành phố kiến nghị trung ương đưa ra biện pháp chế tài, cũng như giải pháp công nghệ để việc thu phí không phải thực hiện thủ công, tránh tình trạng không minh bạch rồi mới thu", ông Quân nói.
UBND quận 9 đề nghị trả lại 1,2 tỷ đồng tiền phí sử dụng đường bộ đã thu trên địa bàn cho người dân. Ảnh: Hữu Công.
Theo người đứng đầu HĐND TP, dù gần đây Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương đã có văn bản xin Thủ tướng cho tạm dừng thu loại phí này từ đầu năm 2016 và giao cho Bộ Giao thông và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để sửa Nghị định 18 theo hướng bỏ khoản phí này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề nghị còn Nghị định của Chính phủ vẫn đang có hiệu lực. Chính phủ có đồng ý hay không còn phải chờ.
"Trong thời gian này chúng ta sẽ làm gì? Theo tôi, chúng ta phải bàn giải pháp nào để thu tốt và sử dụng tiền thu có hiệu quả", bà Tâm nói và cho rằng có niềm tin với ý thức chấp hành pháp luật của người dân thành phố, dù có thể một bộ phận người dân khó khăn mà chưa nộp loại phí này. Nhưng nếu thành phố vận động tổ chức một cách hợp lý, đảm bảo sự công khai, sử dụng tiền phí đúng mục đích, không để phát sinh tiêu cực thì người dân sẽ đồng tình.
Trước đó, trao đổi với báo chí trong buổi sáng cùng ngày, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết quan điểm của Thường trực HĐND TP là sẽ lắng nghe các đại biểu phản ánh ý kiến của cử tri về vấn đề thu phí xe máy nhưng tinh thần là vẫn tiếp tục thực hiện theo Nghị định 18 của Chính phủ.
Nguồn Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét