Cây không mọc được khi trồng gần bộ phát Wi-Fi
5 học sinh nữ lớp 9 trường Hjallerup Skole, Đan Mạch đã tiến hành thí nghiệm nhằm tìm hiểu tác động của bức xạ từ điện thoại di động.
Thí nghiệm bắt đầu từ việc quan sát và đặt câu hỏi: Các học sinh nữ này nhận thấy nếu đặt điện thoại di động gần đầu trong khi ngủ thì thường bị khó tập trung trong giờ học vào ngày hôm sau. Vì trường học không có trang thiết bị để thí nghiệm tác động này trên người, nên các em quyết định thí nghiệm trên cây.
Các em học sinh đã đặt 6 khay gieo hạt cải xoong Lepidium sativum trong phòng không có wifi và 6 khay hạt khác trong phòng gần hai bộ phát wifi mà theo tính toán sẽ phát ra lượng bức xạ ngang với một chiếc điện thoại di động.
Trong 12 ngày sau đó, các em đã quan sát, cân, đo và chụp ảnh kết quả. Khi kết thúc, thí nghiệm cho kết quả rõ ràng - những hạt cải đặt gần bộ phát wifi không mọc được. Nhiều cây trong số đó bị chết hoàn toàn. Trong khi đó những hạt trồng ở phòng không có wifi lại mọc lên xanh tốt.
Cây cải xong không tiếp xúc và tiếp xúc với wifi
Nên hạn chế trẻ em sử dụng wifi đến mức nào?
Một báo cáo công bố trên tạp chí Journal of Microscopy and Ultrastructure đã cảnh báo rằng trẻ em hấp thu bức xạ từ nguồn phát nhiều hơn người lớn. Thai nhi là nhạy cảm nhất và các bà mẹ đang mang thai không nên mang điện thoại trong người.
Trẻ em hấp thu bức xạ sóng điện từ nhiều hơn người lớn vì mô não của trẻ mềm hơn, hộp sọ mỏng hơn và kích thước nhỏ hơn. Do thời gian từ khi tiếp xúc lần đầu đến khi có chẩn đoán khối u có thể là hàng chục năm, nên những khối u hình thành khi còn nhỏ có thể chỉ được chẩn đoán ở tuổi trưởng thành
Bác sĩ chuyên khoa thần kinh nhi Maya Shetreat-Klein cảnh báo: “Phụ nữ có thai cần biết rằng bức xạ không dây có thể tác động đến bộ não đang phát triển của thai nhi.
“Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về số trẻ có chẩn đoán rối loạn thần kinh trong thập kỷ qua, và cần nghiêm túc làm ngay những việc để giảm tỷ lệ này.
“Bỉ, Pháp, Ấn Độ và nhiều nước khác đang thông qua những qui định hoặc đưa ra những cảnh báo về việc trẻ em sử dụng các thiết bị không dây”.
Các tác giả cho biết giới hạn tiếp xúc vẫn không thay đổi trong 19 năm, và các nhà sản xuất smartphone đã xác định cụ thể khoảng cách tối thiểu từ cơ thể tới sản phẩm của họ để không vượt quá giới hạn phơi nhiễm bức xạ điện từ theo qui định.
Đối với máy tính xách tay và máy tính bảng, khoảng cách tối thiểu tới cơ thể là 20 cm.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo những loại đồ chơi mới cho trẻ em có wifi có thể khiến vấn đề trầm trọng hơn.
Các tác giả cũng đưa ra những khuyến nghị cụ thể: phụ nữ có thai nên tránh tiếp xúc với thiết bị không dây; trẻ em không nên chơi các đồ chơi không dây; các em gái vị thành niên và phụ nữ không nên để điện thoại di động trong áo chíp hoặc trong khăn trùm đầu; và các chính phủ cần khẩn trương xem xét lại giới hạn phơi nhiễm.
Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IRIC) phân loại trường điện từ tần số sóng vô tuyến (RF/EMG) là tác nhân ung thư nhóm 2 B, cùng một mục với chì, chloroform, hơi xăng hoặc thuốc trừ sâu DDT.
Các nguồn RF/EMF gồm ti vi, lò vi sóng, điện thoại di động và thiết bị Wi-Fi.
Wifi có hại không? Hai luồng ý kiến
Tín hiệu wifi sử dụng sóng vô tuyến cường độ rất thấp. Tuy có bước sóng tương tự bức xạ vi sóng gia dụng, song cường độ của bức xạ wifi ít hơn lò vi sóng gia dụng 100.000 lần.
Loại bức xạ do sóng vô tuyến (wifi), đèn, lò vi sóng và điện thoại di động phát ra được thấy là làm tăng nhiệt độ của mô ở mức độ tiếp xúc rất cao.
Đây được gọi là tương tác nhiệt, nhưng các nhà nghiên cứu còn có hai luồng ý kiến về việc liệu bức xạ mà chúng ta nhận được hàng ngày có gây hại hay không.
Cục Bảo vệ sức khỏe Anh (HPA) đã theo dõi độ an toàn của Wi-Fi. Cơ quan này cho biết người dùng wifi, hoặc người ở gần, bị phơi nhiễm với tín hiệu vô tuyến mà thiết bị phát ra – và một phần năng lượng lan truyền trong tín hiệu được hấp thu trong cơ thể.
Tuy nhiên, những tín hiệu này có năng lượng rất thấp. Ngồi ở điểm phát wifi trong 1 năm sẽ dẫn đến nhận được lượng sóng vô tuyến ngang với 20 phút gọi điện thoại di động.
Nguồn Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét